Võ sĩ boxing Italy: ‘Tôi bỏ cuộc để bảo toàn tính mạng’

Angela Carini quyết định dừng trận đấu vì lo ngại cho tính mạng bản thân, khi chạm trán võ sĩ Algeria gây tranh cãi về giới tính Imane Khelif ở vòng 1/8 hạng -66kg nữ Olympic Paris 2024.

Trận đấu giữa Carini với Khelif chỉ kéo dài 46 giây, sau khi võ sĩ Italy dính hai đòn vào mặt và tuyên bố bỏ cuộc. Carini từ chối bắt tay Khelif sau khi trọng tài tuyên bố người chiến thắng. Cô rút tay nhanh ra khỏi tay trọng tài, rồi quỳ xuống võ đài, bật khóc và hét lên “điều này thật bất công”.

Carini cho biết uy lực từ những cú đấm của Khelif khiến cô không thể tiếp tục. Võ sĩ Algeria là tâm điểm gây tranh cãi khi được Ủy ban Olympic Thế giới (IOC) cho phép dự Paris 2024, dù trước đó từng bị loại ở giải vô địch thế giới 2023, vì không vượt qua bài kiểm tra xác định giới tính.

“Tôi bỏ cuộc để bảo toàn tính mạng”, Carini nói. “Mũi tôi rất đau, nên tôi tự nhủ phải dừng lại. Tốt hơn là vậy. Nó bắt đầu chảy máu ngay sau cú đấm đầu tiên”.

Angela Carini quỳ gối và khóc sau khi bỏ cuộc ở trận đấu với Imane Khelif, thuộc vòng 1/8 boxing hạng -66kg nữ Olympic Paris 2024. Ảnh: AFP

Carini quỳ gối và khóc sau khi bỏ cuộc ở trận đấu với Imane Khelif, thuộc vòng 1/8 boxing hạng -66kg nữ Olympic Paris 2024. Ảnh: AFP

Võ sĩ Italy khẳng định võ đài quyền Anh là cuộc sống của cô, nhưng khi cảm thấy có dấu hiệu không ổn, cô thấy cần dừng lại. “Đó không phải đầu hàng mà là hành động của sự trưởng thành”, Carini nói.

Tay đấm sinh năm 1998 được đưa đi kiểm tra y tế để đánh giá mức độ chấn thương, bao gồm cả vết bầm tím ở mũi. Theo cô, việc bỏ cuộc không phải sự sợ hãi sau vì bản thân thường xuyên thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Carini cũng thường xuyên tập luyện cùng anh trai và nhiều võ sĩ nam, nhưng hôm nay, cô vẫn cảm thấy đau đớn.

Võ sĩ 26 tuổi cho biết: “Tôi không phải người dễ dàng đầu hàng, ngay cả khi họ bảo tôi đừng đánh nữa. Bố tôi dạy tôi cách trở thành một chiến binh. Tôi luôn sử dụng tư duy đó và hướng tới chiến thắng. Nhưng lần này, tôi không làm được”.

Carini từ chối trả lời liệu Khelif có xứng đáng được tham dự Olympic hay không. Cô không phải người phán xét mà cho rằng đó là công việc của trọng tài. Trước trận, cô tự nhủ phải chiến đấu hết mình dù đối thủ phía trước là ai.

Trận đấu giữa Angela Carini với Imane Khelif

Trận đấu giữa Carini với Khelif.

“Tôi không ở vị trí để nói ai đúng ai sai”, Carini cho hay. “Tôi là võ sĩ boxing, bước vào võ đài và chiến đấu. Tôi đã không làm được nhưng sẽ rời đi với đầu ngẩng cao cùng trái tim tan vỡ”.

Trong khi đó, Khelif cho biết đã chuẩn bị rất kỹ cho kỳ Olympic này, sau khi chỉ đứng thứ năm tại Tokyo 2020. Mục tiêu duy nhất của cô là đánh bại mọi đối thủ để giành HC vàng, đồng thời, từ chối bình luận về quyết định đưa cô dự Olympic.

Làn sóng phản ứng bùng nổ sau trận đấu giữa Khelif và Carini. Kình ngư Riley Gaines lên tiếng về việc cứu các môn thể thao nữ khỏi các VĐV chuyển giới, đồng thời tuyên bố đứng về phía Carini. Bài đăng sau đó được Elon Musk, ông chủ Tesla và X, chia sẻ lại và thể hiện sự đồng tình.

Tác giả Harry Potter JK Rowling cũng gọi trận đấu là điên rồ, không phải thể thao. “Hãy giải thích lý do tại sao lại đồng ý để một người đàn ông đánh phụ nữ ở nơi công cộng để giải trí”, Rowling viết trên X.

Imane Khelif (trái) đấm trúng mặt Angela Carini. Ảnh: AP

Khelif (trái) đấm trúng mặt Carini. Ảnh: AP

Tuy nhiên, người phát ngôn của IOC Mark Adams khẳng định Khelif cùng một võ sĩ gây tranh cãi tương tự, VĐV Đài Loan ở hạng -57kg Lin Yu-Ting, đều không phải người chuyển giới và không nên được mô tả như vậy. Ông khẳng định cả hai đều được xác định là phụ nữ trong hộ chiếu.

Trước đó, Hiệp hội quyền Anh Quốc tế (IBA) đã loại hai võ sĩ này ở Giải vô địch thế giới 2023 sau một cuộc kiểm tra riêng biệt và được công nhận, nhưng không phải kiểm tra testosterone. Trong khi đó, chủ tịch IBA Umar Kremlev cho biết xét nghiệm DNA chứng minh hai VĐV có nhiễm sắc thể nam XY.

Cũng theo IBA, Khelif ban đầu kháng cáo việc bị truất quyền thi đấu tại Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) nhưng đã rút đơn. Trong khi đó, Lin Yu-Ting không phản đối quyết định.

Dù vậy, IBA là tổ chức không được IOC công nhận về mặt pháp lý do công tác quản lý và chống tham nhũng kém. IOC đã thành lập Ban quyền Anh Paris 2024 (PBU) để thay thế tổ chức boxing. Các luật lệ PBU áp dụng thoáng hơn so với IBA nên cho phép Imane Khelif và Lin Yu-Ting dự Paris 2024.

Trung Thu


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *