‘Vạn lý trường thành’ điện mặt trời của Trung Quốc

Bức tường điện mặt trời dài 133 km và rộng 25 km ở Nội Mông sẽ sản xuất lượng điện đủ để đáp ứng nhu cầu hàng năm của Bắc Kinh.





Công nhân lắp pin quang điện trên sa mạc Kubuqi. Ảnh: China Daily

Công nhân lắp pin quang điện trên sa mạc Kubuqi. Ảnh: China Daily

Từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 3 trước Công nguyên, các triều đại Trung Quốc xây dựng Vạn lý Trường thành dài 21.196 km. Sau hai thiên niên kỷ, hiện nay, Trung Quốc đang tạo ra một bức tường thành khác, nhằm cung cấp nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, theo Popular Science.

Được xây dựng trên sa mạc Kubuqi dọc rìa phía nam sông Hoàng Hà ở miền bắc Trung Quốc, tại khu tự trị Nội Mông, Vạn lý trường thành điện mặt trời sẽ trải dài 133 km và rộng 25 km. Trung Quốc hy vọng bức tường sẽ cung cấp 180 tỷ kilowatt giờ (kWh) điện mỗi năm vào năm 2030. Theo Ordos Energy, công ty phụ trách dự án, công suất đó đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho Bắc Kinh, nơi đang sử dụng khoảng 135,8 tỷ kWh điện mỗi năm.

Tuy nhiên, một phần điện sản xuất sẽ làm lợi cho cộng đồng trong vùng, theo Li Kai, quan chức trong ngành điện ở Dalad Banner (phân khu nhỏ hơn ở Nội Mông). Đường dây truyền tải mới sẽ vận chuyển 48 tỷ kWh điện từ nơi lắp đặt tới Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc mỗi năm. “Tất cả dự án được đầu tư bởi những công ty nhà nước và chính quyền địa phương không cần cấp kinh phí. Tổng cộng, khoảng 50.000 cơ hội việc làm sẽ được tạo ra”, Li nói.

Ngoài công suất điện và cơ hội việc làm, dự án cũng có ảnh hưởng tích cực về mặt bảo tồn. Sông Hoàng Hà đang trải qua quá trình sa mạc hóa, trong đó lưu vực sông chậm rãi thoái hóa với điều kiện giống sa mạc. Quá trình lắp đặt sẽ giúp xử lý 27 triệu hecta đất trong vùng thông qua cung cấp bóng râm và giảm bay hơi. Các tấm pin cũng có tác dụng chắn gió, giúp bảo vệ môi trường xung quanh khỏi xói mòn đất.

Khu vực có bóng râm mang lại cơ hội trồng trọt hoa màu. Dự án sẽ trồng khoảng 2.400 hecta hoa màu nhằm xử lý những vùng giống sa mạc hơn của Vạn lý trường thành điện mặt trời. Chính quyền địa phương cũng cam kết tạo dựng quan hệ cộng sinh giữa phát triển kinh tế và bảo tồn sinh thái.

Những dự án lắp đặt năng lượng xanh quy mô lớn, bất kể là điện gió, điện mặt trời hay kết hợp hai dạng, đang trở nên ngày càng phổ biến khi thế giới tìm cách cắt giảm khí thải chứa carbon. Xu hướng này cũng đang diễn ra ở Mỹ.

Việc lắp đặt pin quang điện cũng đi kèm nhiều mối đe dọa đối với môi trường bao gồm gây rối loạn môi trường sống, tăng các vụ va chạm với chim chóc, nhưng các nhà khoa học và kỹ sư đang tìm cách tăng cây trồng cần thụ phấn quanh nơi lắp đặt, tạo hành lang cho động vật hoang dã.

An Khang (Theo Popular Science)


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *