Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp Bình Định: Hiệu quả tích cực trong công tác đào tạo nghề nghiệp và xuất khẩu lao động

Phát huy công tác đào tạo nghề nghiệp

Năm 2023, Trung tâm GDNN Bình Định đã tuyển sinh và đào tạo 28 lớp nghề trình độ sơ cấp cho 897 học viên, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm. Các đối tượng học viên hoàn thành chương trình đào tạo bao gồm người lao động nông thôn, đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động tự do, lao động vừa học vừa làm.

Trụ sở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Định

Tính đến tháng 7 năm 2024, Trung tâm đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức 12 lớp nghề sơ cấp cho 392  học viên là người lao động nông thôn. Trung tâm còn đào tạo các ngành nghề xã hội hoá như Kỹ thuật chế biến món ăn, Hàn điện cho 55 học viên. Bên cạnh đó, công tác liên kết đào tạo nghề theo hình thức vừa học, vừa làm cũng được triển khai tại nhiều doanh nghiệp trong tỉnh, thu hút 305 học viên hoàn thiện kỹ năng tay nghề; Giới thiệu được gần 70 thanh niên đăng ký tham gia đi XKLĐ tại thị trường Nhật Bản.

Triển khai rà soát và xây dựng chương trình đào tạo, Trung tâm có 07 nghề trình độ sơ cấp được cấp phép đăng ký hoạt động GDNN, 05 nghề trình độ sơ cấp được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TB&XH) cấp giấy phép tổ chức xây dựng. Ngoài ra, Sở (LĐ – TB&XH) giao nhiệm vụ xây dựng định mức chi phí đào tạo 02 nghề Hàn điện, Trồng và nhân giống nấm cho Trung tâm GDNN Bình Định.

Cơ chế hỗ trợ người dân xuất khẩu lao động

Xác định xuất khẩu lao động là giải pháp thoát nghèo bền vững, những năm vừa qua, UBND Bình Định đặc biệt quan tâm tới công tác hỗ trợ xuất khẩu lao động (XKLĐ). Theo Quy định chính sách hỗ trợ cho người lao động tỉnh Bình Định đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, kinh phí được trợ cấp chi trả cho các hạng mục đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, chi phí ăn uống, đi lại, làm visa và các thủ tục khác.

Lễ ký kết hợp tác với doanh nghiệp đưa lao động đi Nhật Bản

Năm 2023, Trung tâm GDNN Bình Định tổ chức hội nghị, chương trình tư vấn việc làm. Từ đó nhiều địa phương đã nhận được tín hiệu vui mừng, toàn tỉnh có hơn 1.000 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức. Việc này được thực hiện thông qua kế hoạch phối hợp giữa Trung tâm và 20 doanh nghiệp hợp pháp có chức năng đưa người lao động ra nước ngoài.

Ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm cho biết: Mỗi doanh nghiệp mà Trung tâm hợp tác có một thế mạnh hoặc một đặc thù riêng về thị trường lao động. Chẳng hạn, Công ty TNHH Sen Đại Dương sở hữu nhiều đơn hàng làm việc tại sân bay Nhật Bản mà nhiều DN khác không có. Công ty CP Đầu tư Giáo dục VIETGROUP lại sở hữu nhiều đơn hàng nghề may với chi phí xuất cảnh khá mềm (100 triệu đồng/trường hợp). Việc hiểu được thế mạnh của từng đơn vị sẽ mở rộng cơ hội đi làm việc cho lao động Bình Định tại nước ngoài.

Trước tình hình lượng người đăng ký XKLĐ của các huyện miền núi vẫn còn “khiêm tốn”, tỉnh Bình Định cũng nhanh chóng nhận diện vấn đề và đưa ra kế hoạch hỗ trợ hợp lý. Theo đó, người lao động thuộc dân tộc thiểu số và miền núi được trợ cấp chi phí đào tạo ngoại ngữ, sinh hoạt, di chuyển, đồ dùng cá nhân, làm thị thực, khám sức khoẻ trong suốt thời gian học tập.

Đề xuất đẩy mạnh công tác giáo dục và hỗ trợ việc làm trên toàn tỉnh

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 xác định đào tạo nghề là giải pháp căn cơ giúp người nghèo có việc làm, có thu nhập ổn định. Thực hiện theo đúng mục tiêu chương trình, Trung tâm GDNN tỉnh Bình Định đưa ra đề xuất phối hợp cùng các phòng LĐ – TB&XH khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp ngay từ đầu năm để làm tốt công tác đào tạo và hỗ trợ việc làm.

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp áp dụng chi phí đào tạo đúng quy định. Trung tâm đề xuất đôn đốc các đơn vị thi công sớm hoàn thành nhà làm việc đa năng, ký túc xá để học viên có nơi ở ổn định khi tham gia học nghề.

PV

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *