Trung Quốc chở gạch Mặt Trăng lên vũ trụ

Tên lửa Trường Chinh 7 đưa tàu Thiên Châu 8 phóng lên Trạm vũ trụ Thiên Cung mang theo gạch Mặt Trăng nhằm kiểm tra sự phù hợp để xây dựng căn cứ.

Trung Quốc phóng tàu chở gạch Mặt Trăng lên vũ trụ

Tàu Thiên Châu 8 chở gạch Mặt Trăng phóng lên vũ trụ ngày 15/11. Ảnh: CCTV+

Thiên Châu 8 phóng lúc 22h13 hôm 15/11 (giờ Hà Nội), ghép nối với trạm vũ trụ Thiên Cung vài giờ sau khi phóng, cung cấp vật tư cho các phi hành gia của nhiệm vụ Thần Châu 19.

Thiên Châu 8 mang theo nhiều bộ thí nghiệm khoa học. Một trong những bộ thí nghiệm trên tàu là gạch Mặt Trăng. Chúng sẽ tiếp xúc với môi trường vũ trụ khắc nghiệt để kiểm tra mức độ phù hợp với việc xây dựng căn cứ Mặt Trăng tương lai.

Gạch Mặt Trăng phải trải qua 1 – 3 năm thí nghiệm, các mẫu vật sẽ được thu hồi hàng năm để phân tích. Quá trình này giúp kiểm tra độ bền, độ chắc chắn của gạch trong môi trường khắc nghiệt và cách vật liệu thay đổi trong môi trường chân không.

Giáo sư Zhou Cheng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung cùng đồng nghiệp thiết kế loại gạch này để chống chọi với điều kiện khắc nghiệt trên Mặt Trăng, bao gồm cả dao động nhiệt độ lớn, từ -190 độ C đến 180 độ C, bức xạ vũ trụ mạnh và các vi thiên thạch đâm xuống do thiếu tầng khí quyển dày để bảo vệ.

“Chúng tôi chủ yếu sẽ phơi gạch ngoài không gian. Chúng tôi đặt chúng ngoài trạm vũ trụ và để ở đó, tiếp xúc với các yếu tố môi trường để xem chất lượng có giảm sút hay không”, Zhou Cheng cho biết.

Nguyên mẫu gạch làm từ các thành phần mô phỏng đất Mặt Trăng, ví dụ như bazan và anorthosite, những vật liệu dồi dào trên Mặt Trăng. Được nung ở mức nhiệt trên 1.000 độ C, gạch có khả năng chịu tải hơn một tấn trên một cm2. Một điểm đáng chú ý của chúng là khả năng liên kết mà không cần chất kết dính – vốn khó sử dụng trên Mặt Trăng. Do đó, chúng giúp tăng cường tính liền khối của cấu trúc và đơn giản hóa quá trình xây dựng.

Sáng kiến này là một phần trong tham vọng của Trung Quốc nhằm xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) vào những năm 2030. Đây là dự án hợp tác với Nga và có sự tham gia của nhiều nước khác, bao gồm Venezuela, Thái Lan, Pakistan, Senegal, cùng với khoảng 40 tổ chức nước ngoài. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu đưa phi hành gia lên Mặt Trăng năm 2030, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực thám hiểm không gian của nước này.

Thu Thảo (Theo Space, The Jerusalem Post)


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *