Robot thám hiểm sao Hỏa đầu tiên của châu Âu

Robot Rosalind Franklin dự kiến phóng năm 2028 và đến sao Hỏa năm 2030 nhằm tìm hiểu xem sự sống có từng tồn tại trên hành tinh đỏ hay không.

Robot được đặt tên theo nhà khoa học đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện cấu trúc ADN, là một phần của nhiệm vụ ExoMars, Guardian hôm 29/3 đưa tin. Nhiệm vụ này do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) tiến hành với mục đích tìm hiểu xem liệu sự sống có từng tồn tại trên sao Hỏa hay không.

Robot Rosalind Franklin trang bị mũi khoan để lấy mẫu từ độ sâu 2 m dưới bề mặt hành tinh đỏ, có niên đại lên đến 4 tỷ năm. Đây sẽ là robot thám hiểm đầu tiên của châu Âu được đưa đến hành tinh khác.





Robot thám hiểm sao Hỏa Rosalind Franklin tại cơ sở của Airbus ở Stevenage. Ảnh: Alecsandra Raluca Drăgoi/DSIT

Robot thám hiểm sao Hỏa Rosalind Franklin tại cơ sở của Airbus ở Stevenage. Ảnh: Alecsandra Raluca Drăgoi/DSIT

Ban đầu là một dự án hợp tác với Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, robot dự kiến phóng vào năm 2022. Tuy nhiên, nhiệm vụ này bị đình chỉ sau khi chiến sự Nga – Ukraine bùng nổ.

Thay vì từ bỏ dự án, ESA đã đánh giá lại, đảm bảo thêm kinh phí và ký kết các thỏa thuận mới để nhận những bộ phận mà Nga từng đảm nhận từ nguồn cung cấp khác. Ví dụ, NASA sẽ cung cấp phương tiện phóng và nhiều thành phần khác, bao gồm các bộ gia nhiệt đồng vị phóng xạ (RHU) cho robot.

Trạm đổ bộ chở robot sẽ do Airbus chế tạo tại cơ sở ở Stevenage, Hertfordshire, theo hợp đồng trị giá 150 triệu bảng Anh do ESA trao, được chính phủ Anh tài trợ thông qua Cơ quan Vũ trụ Anh. Airbus cũng chính là đơn vị chế tạo robot Rosalind Franklin. Nhưng Caroline Rodier, quản lý dự án trạm đổ bộ, lưu ý rằng việc đưa robot đến bề mặt sao Hỏa là một thách thức lớn.

“Hạ cánh trên sao Hỏa không phải là nhiệm vụ dễ dàng, và lịch trình cũng rất tham vọng”, Rodier nói. Ý tưởng là robot và trạm đổ bộ sẽ nằm trong một khoang tàu có dù và tấm chắn nhiệt.

Khi tiến vào khí quyển sao Hỏa, dù thứ nhất bung ra để làm chậm khoang tàu xuống dưới tốc độ âm thanh. Sau đó, chiếc dù này cùng khoang tàu sẽ tách ra trước khi dù thứ hai – gắn với trạm đổ bộ – được triển khai. “Cuối cùng, khi bệ hạ cánh đến gần bề mặt, nó sẽ bắt đầu kích hoạt động cơ đẩy mạnh mẽ để hạ cánh”, Rodier cho biết.

Thiết kế trạm đổ bộ không hề đơn giản, không chỉ vì nó phải giảm tốc xuống dưới 3 mét mỗi giây trước khi tiếp đất. “Khi hạ cánh trên sao Hỏa với kiểu hệ thống này, với trạm đổ bộ và động cơ đẩy khai hỏa mạnh mẽ để giảm tốc và hạ cánh an toàn, bạn cần hệ thống đẩy với lưu lượng (lượng vật liệu đi qua một hệ thống) lớn”, Rodier giải thích.

“Những gì chúng tôi từng làm ở nơi khác, các tàu vũ trụ điển hình trong các nhiệm vụ khác, có lưu lượng nhỏ hơn nhiều. Do đó, sẽ có những thách thức. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chế tạo hệ thống đẩy kiểu này”, bà nói thêm.

Rodier cho biết thêm, nhóm dự án cũng đang nghiên cứu chân đáp cho trạm đổ bộ và hai đường dốc đối xứng được triển khai khi trạm hạ cánh, cho phép robot Rosalind Franklin đi xuống theo cách ít rủi ro nhất. Robot đang trải qua các điều chỉnh và nâng cấp khi lịch phóng thay đổi, bao gồm cải tiến hệ thống kiểm soát điều hướng và chỉ dẫn.

Thu Thảo (Theo Guardian)



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *