Nắm chắc kiến thức, làm chủ cảm xúc để có bản lĩnh đầu tư vững vàng

TCCK: Là một nhà đầu tư lâu năm trên TTCK, ông đánh giá thế nào về sự trưởng thành của các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam từ giai đoạn đầu đến nay?

Ông Phan Dũng Khánh: Tôi tham gia đầu tư chứng khoán vào những năm 2000, lúc TTCK mở cửa chỉ có 2 mTCCK: Là một nhà đầu tư lâu năm trên TTCK, ông đáã cổ phiếu REE và SAM, vài tháng sau đó có thêm các mã TMS và HAP. Số lượng mã cổ phiếu hàng năm có tăng thêm nhưng khá ít, cho đến cuối năm 2005, trên sàn HOSE mới có 35 mã cổ phiếu và tại HNX là 6 mã.

Thời điểm đó, chưa có giao dịch liên tục, chưa có ATO, ATC, một tuần sàn chỉ mở 3 ngày và cũng không có giao dịch online. Bối cảnh số lượng nhà đầu tư thì nhiều mà danh sách cổ phiếu lại ít và tỷ lệ cổ phiếu lưu hành trên thị trường của các mã cổ phiếu niêm yết đó lại quá nhỏ… khiến giá cổ phiếu trên sàn càng ngày càng tăng và nhà đầu tư cứ mua là

thắng (lãi).

Ai đầu tư chứng khoán thời đó chắc chẳng bao giờ quên cảnh tượng nhà đầu tư xếp hàng dài, tay ôm túi tiền chờ nộp vào tài khoản chứng khoán trước cửa CTCK. Hay như cảnh tượng chen chúc, tranh giành khi viết lệnh vào giấy và đưa cho nhân viên môi giới nhập lệnh… Đáng chú ý, nhà đầu tư hồi đó chủ yếu là những người lao động, cán bộ tại các công ty nhà nước nắm giữ cổ phần của công ty sau khi cổ phần hóa và bạn bè thân hữu của họ, những người làm việc trong các ngân hàng, công ty tài chính, những người kinh doanh… chưa có kiến thức nhiều về chứng khoán. Tôi nằm trong số ít nhà đầu tư là sinh viên kinh tế, kiến thức về chứng khoán cũng chỉ được đến từ phim ảnh và sách báo nước ngoài.

Cảnh nhà đầu tư xếp hàng đặt lệnh tại một công ty chứng khoán những năm 2000.

 

Cũng vì thiếu kiến thức nên việc các nhà đầu tư hồi đó cứ mua được cổ phiếu là lãi đã khiến cho thị trường tăng quá nóng… Hệ lụy là, khi thị trường bị sụt giảm liên tiếp, nhiều nhà đầu tư bị “ngã ngựa”. Năm 2009 là năm khá “tàn khốc”, nhiều nhà đầu tư có tên tuổi trên sàn phải rời đi, kể cả những nhà đầu tư kỳ cựu cũng phải rời bỏ sàn chứng khoán. Bản thân tôi cũng đã từng từ hai bàn tay trắng làm nên… một đống nợ mà phải mất nhiều năm mới trả hết. Bài học lớn nhất mà tôi nhận được trong lúc này là kiểm soát lòng tham để có tâm lý ổn định, bản lĩnh đầu tư vững vàng.

TTCK phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm hơn, nhiều mã cổ phiếu, số lượng nhà đầu tư tăng thần tốc, chỉ số VN-Index cũng có tốc độ tăng điểm xếp top đầu thế giới trong thời gian qua. Các kiến thức về chứng khoán đã phổ biến hơn qua các phương tiện thông tin đại chúng, dần như cơm ăn như nước uống, như một phần tất yếu trong cuộc sống. Điều này có nghĩa là chứng khoán đã và sẽ tiếp tục len lỏi vào trong cuộc sống của mọi gia đình. Nhờ vào mạng Internet và sự phát triển của các trang mạng xã hội nên thông tin về TTCK được update liên tục qua các nền tảng như Facebook, Twitter hoặc các trang điện tử cũng như các công cụ phụ trợ khác, giúp trình độ (kiến thức) của các nhà đầu tư đã được nâng lên rất nhiều.

Các nhà đầu tư, đa phần là trẻ tuổi, họ đã có sự chuẩn bị khá đầy đủ các kiến thức về chứng khoán. Hiện tại, nhà đầu tư không chỉ hiểu về chứng khoán mà còn nắm bắt tốt kiến thức về kinh tế, tài chính và doanh nghiệp. Có thể thấy, sự trưởng thành lớn nhất của các nhà đầu tư hiện nay không chỉ gia tăng về số lượng mà chất lượng kiến thức ngày được chuyên sâu.

TCCK: Thực tế vẫn có những người nắm chắc kiến thức về TTCK nhưng vẫn bị thua lỗ. Từ những bài học kinh nghiệm của cá nhân cũng như của một chuyên gia tư vấn, ông có lời khuyên gì với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường?

Ông Phan Dũng Khánh: Thật đáng tiếc, thực tế nhiều người có kiến thức sâu về thị trường vẫn gặp thất bại. Điều này thường xảy ra do cảm xúc vẫn chi phối họ. Một ví dụ điển hình là hiện tượng FOMO (Fear of Missing Out), khi thấy người khác lãi, họ dễ ghen tị và đưa ra quyết định đầu tư thiếu suy xét. Cảm xúc luôn đóng vai trò lớn, đôi khi lấn át cả hiểu biết của họ về thị trường.

Và có một điều không thay đổi dù đã hơn 24 năm, thậm chí nhiều năm sau này cũng thế, đó là lòng tham, sự sợ hãi và tâm lý muốn giàu nhanh. Do đó, dù kiến thức có tốt cỡ nào, chính sách tốt ra sao, bảo vệ nhà đầu tư tốt như thế nào, phương pháp phân tích kỹ lưỡng đi chăng nữa mà nhà đầu tư không kiểm soát tốt rủi ro, lòng tham, cảm xúc… thì vẫn bị mất tiền.

Việc TTCK vẫn tiếp tục chứng kiến cảnh nhà đầu tư tranh mua khi thị trường tăng và tranh bán khi thị trường sụt giảm như trước đây không có gì làm lạ. Một nghiên cứu không chính thức của giới đầu tư chứng khoán mới đây đã chỉ ra, có đến 90% nhà đầu tư cá nhân khi tự đầu tư bị thua lỗ là do tâm lý. Điều này đúng với một câu nói nổi tiếng trên thị trường: “Những nhà đầu tư xuất sắc nhất trên thế giới có nhiều kiến thức về tâm lý học hơn là tài chính”. Dù thị trường có biến đổi, cảm xúc của con người vẫn sẽ tương tự: đau khi vấp ngã, sợ khi thua lỗ. Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường dầu, vàng, ngoại hối, hay bất kỳ thị trường nào khác cũng có những đặc điểm chung đó.

TTCK Việt Nam có đặc điểm là số lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn. Ở các nước phát triển, nhà đầu tư tổ chức chiếm khoảng 50%, còn ở Việt Nam, hơn 90% là nhà đầu tư cá nhân. Họ là lực lượng quyết định trên thị trường. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng tâm lý đám đông, dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin và cảm xúc. Nhà đầu tư cá nhân thường có ít tiền hơn và hay phải sử dụng đòn bẩy, trong khi nhà đầu tư tổ chức có quy định không dùng vốn vay, giúp họ ít áp lực hơn. Chính vì vậy, lời khuyên của tôi đối với các nhà đầu tư cá nhân đó là:

Thứ nhất, không bao giờ đầu tư tất tay (all-in). Dù thị trường tăng, cần phải cẩn trọng.

Thứ hai, nếu sử dụng đòn bẩy, hãy kiểm soát và dùng với tỷ trọng vừa phải trong thời gian ngắn. Hạn chế vay tiền để đầu tư.

Thứ ba, nhà đầu tư nên học một khóa cơ bản về tài chính, chứng khoán vì mặc dù có thể nhà đầu tư đã sử dụng dịch vụ tư vấn của CTCK nhưng bản thân vẫn cần kiến thức nền tảng để kiểm soát thông tin nhận được.

Thứ tư, để tránh bị lừa đảo, các nhà đầu tư không sử dụng các App sinh lời bên ngoài thị trường hay không nên tham gia Group của những đối tượng có dấu hiệu “lùa gà”, hô hào, cam kết “bao lời, bao lỗ” hoặc ủy thác đầu tư. Mặt khác, nhà đầu tư cố gắng tìm một người hướng dẫn (mentor) đáng tin cậy. Và như tôi đã nói ở trên, nhà đầu tư cần phải kiểm soát lòng tham để có tâm lý ổn định, bản lĩnh đầu tư vững vàng.

TCCK: Nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng đầu tư theo thời vụ, dễ dàng tham gia và rút lui. Vậy, theo ông, làm sao để TTCK Việt Nam phát triển bền vững?

Ông Phan Dũng Khánh: Theo tôi, cơ quan quản lý cần các giải pháp đồng bộ và lâu dài. Đó là, thứ nhất, cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư cá nhân đầu tư tập trung hơn, thông qua các quỹ đầu tư hay định chế tài chính. Điều này giúp thị trường ổn định hơn khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp chiếm tỷ trọng lớn hơn; Thứ hai, cần tạo điều kiện cho các CTCK, tổ chức phát triển các sản phẩm tài chính mới, giảm bớt thời gian phê duyệt để các sản phẩm nhanh chóng đến tay người tiêu dùng. Do đó theo tôi, các cơ quan quản lý cần chủ động tạo ra các sản phẩm mới để thị trường phát triển nhanh chóng và đa dạng hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thư Mai thực hiện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *