Sử dụng thùng xốp, bìa carton, mo cau… các học sinh đến từ Hà Nội, Quảng Nam đã tạo ra mô hình giúp môn học lịch sử thu hút, giành giải cao tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc.
Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2024 vừa trao giải hôm 2/11 có nhiều công trình thắng giải bởi sáng chế hữu ích cho việc học môn lịch sử.
Trong số này nhóm học sinh, Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) giành giải đặc biệt với mô hình địa đạo Củ Chi. Các tác giả Lưu Bảo Châu, Nguyễn Duy Kiên, Nguyễn Lâm Uyên, Lê Ngọc Khải (lớp 9), Vỹ Nguyễn Thanh Mai (lớp 8) sử dụng vật liệu thạch cao, bìa carton và các vật liệu tái chế, thân thiện môi trường để chế tạo mô hình địa đạo.
Nhóm tạo hình lát cắt với 5 mặt minh họa các chi tiết trên mặt đất và lòng địa đạo, giúp người tham quan có thể hình dung toàn bộ cuộc sống của quân dân Củ Chi, cũng như tính chất khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sử dụng mô hình học sinh được tham gia một tour du lịch trải nghiệm học tập khám phá Địa đạo Củ Chi mà không phải đến tận nơi.
Sản phẩm sử dụng pin năng lượng mặt trời và cảm biến giúp phát hiện người để lập trình điều khiển chạy và dừng chương trình. Cảm biến cũng giúp bật, âm thanh, ánh sáng khi có người và tắt khi không, để tiết kiệm điện năng, tạo trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng.
Nội dung được viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, có lời thu âm, tra cứu thông tin, video, phần trò chơi và nhiều câu hỏi tương tác… giúp các bạn học sinh trải nghiệm hoàn toàn mới khi học lịch sử.
Nhóm nghiên cứu cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tạo các phiên bản khác nhau của địa đạo với kích thước nhỏ hơn để phù hợp với điều kiện dạy học khác nhau trên cả nước, đặc biệt là ở các trường học vùng sâu, vùng xa.
Đến từ Quảng Nam, Võ Thị Thủy Tiên, lớp 5A Trường Tiểu học số 1, Duy Nghĩa, Duy Xuyên giành giải nhất với mô hình động Chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Sử dụng mo cau làm thuyền, thùng xốp, máy bơm bể cá, các miếng xốp giả làm núi đá, van nước, gộc làm cọc, keo, phụ kiện… mô hình tái hiện trận chiến lịch sửa năm xưa.
Thủy Tiên cho biết, mục đích làm mô hình giúp các bạn học sinh yêu thích môn Lịch sử hơn, luôn nhớ về những chiến công của các thế hệ đi trước, đặc biệt là hiểu được nghệ thuật quân sự dựa vào thủy triều lên xuống để quân giặc sa vào bãi cọc.
Để sử dụng mô hình minh họa cho bài giảng, giáo viên cần đổ nước vào mặt bằng trận đánh để cho nước ngập máy bơm ở phía dưới. Khi giảng đến đoạn “nghe tin quân Nam Hán sang xâm lược nước ta, Ngô Quyền cho quân dân đẽo cọc nhọn cắm xuống sông Bạch Đằng” – giáo viên minh họa bằng cách lấy tăm cắm xuống lòng sông.
Khi giảng đến đoạn quân Nam Hán đến lúc nước lớn – giáo viên mở máy bơm để nước bơm lên tạo thành nước dâng lớn. Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến – giáo viên đẩy thuyền nhỏ của Ngô Quyền ra dụ quân Nam Hán.
Lúc quân Nam Hán đuổi theo – giáo viên dùng tay đẩy thuyền quân Nam Hán đuổi theo quân Ngô Quyền. Khi quân Nam Hán đã vượt qua bãi cọc, đúng lúc nước dòng thủy triều rút mạnh – giáo viên tắt máy bơm thì nước rút. Lúc đó Ngô Quyền cho quân mai phục trên sông ra đánh – giáo viên đẩy các thuyền mai phục trên sông ra đánh dồn quân Nam Hán vào bãi cọc để tiêu diệt.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi đánh giá, ý tưởng sáng tạo bằng các sản phẩm, mô hình, được gắn với cuộc sống và góp phần bảo vệ môi trường, có khả năng vận dụng vào các môn học, vào thực tiễn cuộc sống vừa có ý nghĩa thiết thực, vừa khơi dậy và phát huy truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc từ hàng nghìn năm.
Đây là năm thứ 20 cuộc thi được tổ chức bởi Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm tôn vinh, nuôi dưỡng đam mê sáng tạo cho các bạn trẻ ấp ủ ước mơ trở thành nhà nghiên cứu, sáng chế với sản phẩm mang lại lợi ích cho xã hội.
Bảo Chi