Dấu hỏi về Sam Altman khi OpenAI ‘chảy máu chất xám’

OpenAI đang việc mất hàng loạt nhân sự quan trọng sau gần một năm CEO Sam Altman bị sa thải rồi quay lại điều hành công ty.

Ngày 5/8, hai trong số 11 nhà đồng sáng lập OpenAI là Greg Brockman và John Schuman thông báo kế hoạch rời công ty,. Trước đó, nhà khoa học trưởng Ilya Sutskever, nhân vật chính trong cuộc lật đổ CEO Sam Altman, đã thôi việc, còn các nhà đồng sáng lập khác như Daniel Kokotajlo và William Saunders cũng đã rời đi.

Hiện chỉ còn ba người đồng sáng lập còn làm việc tại OpenAI.

“Điều này không hề tốt cho OpenAI”, nhà phân tích công nghệ Jacob Bourne của Emarketer nói với Business Insider.

Minh họa về Sam Altman đang làm tan biến OpenAI. Ảnh: TechCrunch

Minh họa về Sam Altman đang làm “tan biến” OpenAI. Ảnh: TechCrunch

Tình thế của OpenAI

OpenAI được đánh giá đi đầu trong cuộc đua AI tạo sinh khi phát hành ChatGPT vào tháng 11/2022. Tuy nhiên, việc tiên phong có thể không đủ để giữ họ ở vị trí hàng đầu lâu dài, nhất là khi các công ty lớn như Google, Meta và hàng loạt đối thủ Trung Quốc phát hành AI của riêng mình. Việc các giám đốc chủ chốt rời bỏ có thể càng đẩy OpenAI vào thế khó.

“OpenAI không có moat,” Mike Gualtieri, Phó chủ tịch và nhà phân tích chính tại hãng nghiên cứu Forrester, nói. Trong kinh doanh, “moat” ám chỉ một lợi thế lớn giúp một công ty gần như không thể bị đối thủ cạnh tranh chạm tới và duy trì thị phần của mình. “Các đối thủ chỉ đang e ngại phát hành mô hình AI mới, vì còn tồn tại những vấn đề như ‘ảo giác‘ có thể ảnh hưởng đến uy tín. Chỉ cần giải quyết được vấn đề đó, vị thế của OpenAI sẽ bị đe dọa”. Ví dụ tuần trước, Meta công bố mô hình AI nguồn mở mới. Tuy nhiên, công ty sau đó phải lên tiếng lý giải vấn đề “ảo giác” khiến chatbot MetaAI nói vụ ám sát hụt cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 13/7 “không xảy ra”.

OpenAI và Sam Altman cũng đang gặp nhiều vấn đề khác. Ngày 1/7, những người tố giác OpenAI đã liên hệ với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, yêu cầu điều tra công ty vì vi phạm quy định thỏa thuận dữ liệu. Trước đó vài tuần, 9 nhân viên và cựu nhân viên công ty ký một bức thư ngỏ, chỉ ra các rủi ro của AI tạo sinh.

Trong khi đó, ban lãnh đạo công ty được cho là bị chia rẽ giữa lựa chọn tiếp tục phát triển AI như hiện tại, hay cần có cách tiếp cận thận trọng, an toàn hơn. “Tôi quyết định rời OpenAI vì không còn hy vọng họ sẽ hành động có trách nhiệm, đặc biệt khi họ theo đuổi siêu trí tuệ nhân tạo AGI“, Daniel Kokotajlo, cựu nhân viên OpenAI đã ký thư, nói.

Theo giới chuyên gia, các công ty công nghệ đang chi tiêu mạnh cho cuộc đua AI, nhưng niềm tin vẫn là một trong những yếu tố quyết định sự thành công. “Với tư cách là một công ty trẻ có cấu trúc quản lý khác thường, OpenAI sẽ tiếp tục bị giám sát kỹ lưỡng, thậm chí nhiều hơn so với các công ty khác”, Bourne nhận định.

Sam Altman đang làm gì?

Tháng 11 năm ngoái, Altman bất ngờ bị sa thải nhưng trở lại làm CEO sau chưa đầy một tuần. Nguyên nhân thực sự đến nay chưa được OpenAI công bố. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết xung đột xảy ra khi nhà khoa học trưởng Sutskever muốn phát triển AI an toàn như sứ mệnh ban đầu, còn Altman muốn đẩy nhanh thương mại hóa sản phẩm, đặt lợi nhuận và tăng trưởng lên hàng đầu.

Trong “cuộc chiến” này, Altman đã chiến thắng.

Ngay sau đó, OpenAI đưa ra hàng loạt thay đổi về sản phẩm. Theo TechCrunch, Altman đang hướng công ty đến một “văn hóa liều lĩnh”, bằng cách liên tục ra các mô hình mà không quan tâm đến nguy cơ của nó, hoặc làm chưa đủ để ngăn chặn hệ thống AI trước khi nó trở nên nguy hiểm.

Một nguồn tin chia sẻ với Business Insider rằng OpenAI dưới sự lãnh đạo của “Altman mới” đang áp dụng chiến thuật cứng rắn và liều lĩnh. “Altman và OpenAI thực sự hào hứng với siêu trí tuệ AGI. Họ đang chạy đua một cách liều lĩnh để trở thành người tiên phong”, Daniel Kokotajlo, cựu nhân viên thuộc bộ phận quản trị của OpenAI, nói vào năm ngoái.

Đầu tuần này, Elon Musk, một trong những nhà đồng sáng lập OpenAI, tiếp tục gửi đơn kiện Altman và công ty. Tỷ phú cho rằng Altman đặt lợi ích thương mại lên trên lợi ích cộng đồng. Ông nói đã bị Altman và Brockman dụ dỗ để cùng tạo công ty với lời hứa “nó sẽ đi theo hướng an toàn và mở hơn so với các gã khổng lồ công nghệ theo đuổi lợi nhuận”, nhưng sau đó bị “phản bội”.

Ngoài theo đuổi AGI, công ty cũng dính tai tiếng khi ngăn cản nhân viên bày tỏ những lo ngại về công nghệ, thậm chí đưa vào điều khoản cấm nói xấu công ty sau khi nghỉ việc. Helen Toner, cựu thành viên hội đồng quản trị OpenAI, tiết lộ trên podcast The TED AI Show ngày 28/5 rằng Altman đã nói dối và cản trở hội đồng quản trị, trả thù những người chỉ trích ông, tạo ra “bầu không khí độc hại” tại công ty do ông điều hành.

Một số cựu nhân viên khác đánh giá Altman đã bước vào “kỷ nguyên biến chất”, trở thành “kẻ phản diện” ở Thung lũng Silicon, khiến các nhân sự chủ chốt rời đi.

“Đó là thế giới của Sam. Chúng ta đang phải sống trong đó”, một nhà phát triển của OpenAI nói năm ngoái.

Đứng trước các rối ren nội bộ, Altman vẫn tỏ ra bình tĩnh. Trên truyền thông, ông nhiều lần hứa sẽ làm tốt công việc để “tạo nên thế giới tốt đẹp hơn”.

Altman đăng ảnh chụp quả dâu tây trên X.

Altman đăng ảnh chụp quả dâu tây trên X.

Tuy nhiên, ông khẳng định vẫn theo đuổi AGI. Ngày 7/8, ông đăng ảnh những quả dâu tây ông trồng ở vườn nhà kèm chú thích: “Tôi thích mùa hè trong vườn”.

Theo Mashable, bức ảnh khiến giới công nghệ vừa háo hức vừa lo lắng vì trước đó, một số nguồn tin nói OpenAI đang phát triển một dự án bí mật về siêu AI có tên Project Strawberry (dâu tây) – mô hình AI có thể tự suy luận “tiệm cận con người”. Hình ảnh có thể là sự ám chỉ từ Altman rằng AI này sẽ sớm xuất hiện.

Bảo Lâm


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *