Cục Quản lý thị trường Thái Nguyên: Nhiều biện pháp góp phần ổn định, lành mạnh thị trường

Ông Tạ Đình Dũng – Cục trưởng Cục QLTT Thái Nguyên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban đánh giá công tác quản lý thị trường tháng 10/2024 và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát lực lượng QLTT Thái Nguyên không phát hiện về sản xuất, kinh doanh hàng cấm. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm, không chấp hành việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, vi phạm về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh… vẫn còn tồn tại, diễn ra nhỏ lẻ trên địa bàn cố định. 
Để lành mạnh và ổn định thị trường, Cục QLTT Thái Nguyên đã bám sát chỉ đạo của cơ quan cấp trên, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, kịp thời ban hành chương trình kế hoạch công tác và các văn bản chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường công tác thu thập thông tin, giám sát, quản lý địa bàn, có biện pháp xử lý kịp thời, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Cục QLTT Thái Nguyên thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tới các Đội QLTT trực thuộc, duy trì việc kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh Thái Nguyên trong thời gian gần đây như: Xăng dầu, lương thực, thực phẩm, động vật, sản phẩm động vật, gia súc – gia cầm, nông lâm thủy sản, than, mặt hàng vàng, mặt hàng thuộc phương tiện PCCC, khí N2O, thuốc lá điện tử…; tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường theo Kế hoạch kiểm tra chuyên đề năm 2024 đối với mặt hàng xăng dầu; mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế; mặt hàng vàng trang sức, mỹ nghệ. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các Kế hoạch khác đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra.

Lực lượng QLTT kiểm tra một cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy trên địa bàn thành phố Thái Nguyên 

Đặc biệt, trước thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi nhất là những tháng cuối năm 2024, Cục QLTT Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giáp pháp đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ … thông qua việc thực hiện các kế hoạch kiểm tra chuyên đề; kiểm tra định kỳ; thanh tra chuyên ngành và kiểm tra đột xuất. Đồng thời chỉ đạo các Đội quản lý thị trường tăng cường thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong, sau Tết Ất Tỵ 2025. Cục QLTT Thái Nguyên cũng thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về nguồn gốc xuất xứ, về giá và chất lượng hàng hóa… xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến buôn lậu, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gian lận thương mại gây bất ổn thị trường. 

Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa tại hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Phổ Yên
 

Kết quả lũy kế đến tháng 10, Cục QLTT Thái Nguyên đã kiểm tra 842 vụ, xử phạt 553 vụ. Tổng số tiền thu phạt hành chính, bán hàng hóa tịch thu, khoản thu khác và giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 9 tỷ đồng. Trong đó số tiền nộp ngân sách nhà nước gần 6,2 tỷ đồng. 
Nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân, góp phần lành mạnh thị trường, Cục QLTT Thái Nguyên thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả và kinh doanh trái phép; tuyên truyền ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh không sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng nhập lậu, hàng giả, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cục QLTT Thái Nguyên cũng chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương và trên Cổng thông tin điện tử của QLTT, kịp thời đưa các thông tin về hoạt động của lực lượng. 
Để đảm bảo ổn định các mặt hàng thiết yếu và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng, lực lượng QLTT Thái Nguyên tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan và chỉ đạo các Đội QLTT phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại địa phương thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, bình ổn giá cả, đặc biệt là giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh … góp phần bình ổn, lành mạnh thị trường nhất là trước, trong và sau dịp Tết Ất Tỵ 2025./.

                                                                                                                                                 

Tuấn Thành

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *