Để tăng nguồn cung cho thị trường, Chính phủ đề xuất thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm.
Sáng 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mở rộng đất làm dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận.
Theo Luật Nhà ở 2014, từ 1/7/2015, nhà đầu tư chỉ được làm dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng với đất ở. Đây là điểm khác với Luật Đất đai. Chính phủ cho rằng cơ chế này làm bó hẹp các trường hợp thực hiện dự án nhà ở thương mại dưới quy mô khu đô thị, nhất là tại các khu vực mới, chưa có đất ở.
Bởi thực tế hạn mức giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân tối đa là 400 m2, còn lại là đất nông nghiệp trong cùng thửa. Do đó, nhà đầu tư không thể thực hiện chuyển quyền sử dụng đất trong khu dân cư để làm dự án nhà ở thương mại. Chưa kể, phần lớn dự án bất động sản đều được triển khai trên quỹ đất ban đầu không phải là đất ở và gồm nhiều loại khác nhau như đất giao thông, cây xanh…
Do đó, để tháo gỡ vướng mắc, tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản, Chính phủ đề xuất cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại. Chính sách này được đề nghị thí điểm trong 5 năm.
Dự án được chọn thí điểm phải được thực hiện tại khu vực đô thị, không thuộc công trình phải thu hồi. Dự án thí điểm cần có tối đa 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất) theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai của quy hoạch tỉnh đến 2030.
UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, cấp phép cho tổ chức kinh doanh bất động sản nhận chuyển quyền sử dụng đất. Cùng với đó, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện về đất đai, pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư.
Trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển quyền sử dụng với đất có nguồn gốc là đất quốc phòng, an ninh thì cần văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Công an.
Việc thí điểm này, theo Chính phủ là bước tháo gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án bất động sản trong bối cảnh giá tăng cao do một phần nguyên nhân từ khó khăn tiếp cận đất đai.
Thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề cập nhiều ý kiến tại cơ quan này cho rằng quy định các loại đất được thực hiện thí điểm quá rộng, gồm đất trồng lúa, đất rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất), đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh…
Cơ quan thẩm tra lưu ý cần kiểm soát chặt chẽ để không chuyển đổi mục đích sử dụng với đất lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hay quốc phòng, đất an ninh với diện tích lớn. Bởi việc này sẽ làm ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường, an ninh lương thực, an ninh quốc phòng.
Theo ông Thanh, có ý kiến lo ngại việc cho phép thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất không phải là đất ở để làm dự án nhà ở thương mại sẽ dẫn đến sốt giá đất nông nghiệp và các loại đất khác. Việc này có thể gây ra nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, cũng như Nhà nước khi cần thu hồi, đền bù đất.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát, làm rõ việc áp dụng cơ chế thí điểm qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng hoặc đang có quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (thương mại, dịch vụ). Việc này nhằm tránh tình trạng lạm dụng chính sách, hợp thức hóa các tồn tại, thậm chí sai phạm (nếu có) hoặc tạo xu thế mua gom, đầu cơ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để làm các dự án nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó, cơ quan này đề nghị làm rõ nguyên tắc thực hiện với trường hợp có nhiều dự án đề nghị thí điểm, nhất là tại Hà Nội, TP HCM – nơi có nhiều dự án bất động sản đang vướng mắc. Có ý kiến đề nghị không quy định tiêu chí này để tránh phát sinh thủ tục hoặc tạo cơ chế “xin – cho”.
Theo chương trình, hôm nay Quốc hội thảo luận tại tổ nội dung này, tại hội trường ngày 21/11 và thông qua vào cuối kỳ họp.
Anh Minh