Giấc mơ đưa người lên sao Hỏa của Elon Musk sẽ trở thành ưu tiên lớn hơn dưới thời tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump, hé lộ thay đổi lớn đối với chương trình Mặt Trăng của NASA.
Chương trình Artemis của NASA hướng tới sử dụng tên lửa Starship của SpaceX để đưa con người lên Mặt Trăng làm nền móng cho những nhiệm vụ sao Hỏa sau này. Tuy nhiên, dự kiến chương trình sẽ tập trung nhiều hơn vào hành tinh đỏ dưới thời Trump và nhắm đến nhiệm vụ không người lái tới đó trong thập kỷ này, theo nguồn tin quen thuộc với chính sách vũ trụ của tổng thống Mỹ, Reuters hôm 11/11 đưa tin.
Chọn đích đến là sao Hỏa với tàu vũ trụ thiết kế để chở phi hành gia không chỉ tham vọng hơn tập trung vào Mặt Trăng mà còn chứa đựng nhiều rủi ro và tốn kém hơn. Musk, người từng nhảy trên sân khấu trong một buổi vận động tranh cử của Trump hồi tháng 10 và mặc một chiếc áo có chữ “Xâm chiếm sao Hỏa”, đã chi 119 triệu USD cho cuộc tranh cử của Trump và thành công thúc đẩy chính sách vũ trụ ở thời điểm khác thường.
Vào tháng 9, nhiều tuần sau khi Musk công khai ủng hộ Trump, Trump cho biết Mặt Trăng chỉ là bệ phóng cho mục tiêu cuối cùng của ông là vươn tới sao Hỏa. “Ít nhất, chúng ta sẽ có một kế hoạch sao Hỏa thực tế hơn. Bạn sẽ thấy sao Hỏa trở thành một mục tiêu”, Doug Loverro, cố vấn ngành vũ trụ từng chỉ đạo bộ phận thám hiểm của NASA khi Trump giữ chức tổng thống Mỹ từ năm 2017 tới năm 2021, nhận xét.
Theo các nguồn tin, kế hoạch vẫn có thể thay đổi trong khi nội các của Trump hoàn thiện trong những tuần tới. Trump đề ra chương trình Artemis năm 2019 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông và đây là một trong số ít sáng kiến còn duy trì dưới thời tổng thống Biden. Đội ngũ cố vấn vũ trụ của Trump muốn cải cách chương trình bị cho là đã trở nên yếu kém khi vắng mặt họ.
Musk, người sở hữu công ty xe điện Tesla và công ty khởi nghiệp về chip não Neuralink, cũng nhắm tới cắt giảm tình trạng quan liêu như nền tảng cốt lõi trong định hướng ủng hộ Trump. Đối với ngành vũ trụ, mong muốn giảm bớt thủ tục của Musk nhiều khả năng sẽ kích thích thay đổi ở cơ quan vũ trụ thương mại của Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ, đơn vị giám sát hoạt động phóng tên lửa tư nhân khiến Musk bực bội do làm chậm tiến độ phát triển hệ thống Starship của SpaceX.
NASA dưới thời của Trump chắc chắn sẽ ủng hộ các hợp đồng vũ trụ giá cố định giao trách nhiệm lớn hơn cho những công ty tư nhân và thu nhỏ những chương trình đội kinh phí đang trở thành gánh nặng cho Artemis. Điều đó có thể gây rắc rối cho tên lửa duy nhất mà NASA sở hữu là Hệ thống phóng không gian (SLS) có chi phí phát triển 24 tỷ USD từ năm 2011. Việc hoãn chương trình sẽ rất khó khăn do khiến hàng nghìn người mất việc và tăng sự phụ thuộc vào SpaceX.
An Khang (Theo Reuters)