Thái Nguyên – Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại

Phát huy lợi thế địa phương

Thái Nguyên có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế khi được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng với hàng trăm điểm mỏ, nhiều loại khoáng sản như vonfram, than, sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, vàng… Trong thời kỳ đổi mới, tỉnh Thái Nguyên có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp lớn, như khu công nghiệp Yên Bình, Sông Công I, Sông Công II, Điềm Thụy, Nam Phổ Yên…

Hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư

Tiếp tục phát huy các lợi thế, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển nhiều ngành công nghiệp hiện đại, như điện tử và vi mạch bán dẫn; chế tạo máy, gia công kim loại và cơ khí lắp ráp; công nghiệp nhẹ, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất kim loại; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản… Nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường trong nước và nước ngoài, như: sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, sản phẩm cơ khí, may mặc, chè…

Theo định hướng phát triển của tỉnh, Thái Nguyên đang tập trung phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Mục tiêu trước mắt của tỉnh là đến năm 2025, Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Nỗ lực vươn lên

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên xác định là năm “nước rút”, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu KT-XH của cả giai đoạn 2020-2025. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,5%; giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng 8,5%; giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tăng 8%; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,5%…

Theo dự thảo báo cáo kết quả kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2024, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực như: thu chi ngân sách đạt vượt kế hoạch, đảm bảo vững chắc cân đối ngân sách nhà nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước thực hiện 6,5%; trong đó khu vặc nông, lâm nghiệp  Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng với Công nghiệp – Xây dựng ước thực hiện 57,39%; Dịch vụ và thuế sản phẩm ước thực hiện 32,53%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản ước thực hiện 10,08%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 8%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 119,2 triệu đồng, bằng 96,91% KH, tăng 5,86% so với năm 2023.

Về sản xuất, tình hình sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc, một số doanh nghiệp có đơn hàng lớn, góp phần duy trì đà chuyển biến tích cực từ cuối năm 2023. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 1.030 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, bằng 97,6% KH.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao gắn với lợi thế của các địa phương. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 16.389 tỷ đồng, tăng 3,16% so với cùng kỳ, bằng 99,63% KH. Giá trị trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt từ 130 triệu đồng trở lên, dạt 100% KH.

Đặc biệt chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Toàn tỉnh có 3 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 3 huyện (Phú Bình, Đại Từ, Định Hóa) đạt chuẩn NTM. Trong tổng số 126 xã thì có 118 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Dự kiến đến hết năm 2024, tỉnh sẽ có thêm 2 xã đật chuẩn NTM, 11 xã được công nhận NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu và 1 huyện đạt chuẩn NTM.

Ngành thương mại, dịch vụ tiếp tục giữ đà tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 44,68 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 27,6 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ, đạt 94,1% KH. Trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 715,3 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ và bằng 89,4% KH năm. Hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì đà hồi phục và tăng trưởng tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đtạ 78,86 nghìn tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ, bằng 104,5% KH.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu khác được dự báo hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định.

Tăng tốc, bứt phá về đích

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, giao thông trọng điểm. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng hiện đại, văn minh; quan tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số…

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên làm việc với doanh nghiệp, đối tác nước ngoài

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành lĩnh vực mới nổi; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trường mới.

Thực tế cho thấy, để vượt khó “cán đích” các chỉ tiêu trong những tháng cuối năm nay là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Song với quyết tâm chính trị, sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh với giải pháp cụ thể đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tin rằng tỉnh Thái Nguyên sẽ hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024. Đây cũng là tiền đề để tỉnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch trong cả giai đoạn 2020-2025…

Những kết quả đã đạt được là nền tảng, tiền đề vững chắc để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Theo dó, năm 2025 được xác định là mốc thời gian tăng tốc, bứt phá của tỉnh nhẳm phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Một số mục tiêu chính đặt ra cho tỉnh là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với đảm bảo các cân đối lớn; tập trung tháo gỡ khó khăn, thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và các dự án giao thông có tính liên kết, kết nối vùng, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới. Thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phát huy hiệu quả lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, chủ động tìm kiếm, kết nối với các nhà đầu tư chiến lược, tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển văn hóa, gắn kết chặt chẽ, hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.

PV.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *