Tâm thư của bác ruột gửi Rafael Nadal

Trong lá thư ngỏ trên tờ El Pais (Tây Ban Nha), cựu HLV Toni Nadal bày tỏ sự biết ơn và ngưỡng mộ đến “Vua đất nện” Rafael Nadal – người vừa thông báo kế hoạch giải nghệ.

Mọi chuyện xảy ra từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc hành trình này đều là biểu hiện của một giấc mơ gần như hoàn hảo. Trên hết, bác muốn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến cháu.

Khoảnh khắc không thể tránh khỏi mà mọi người ước sẽ không bao giờ xảy ra, cuối cùng đã đến. Thứ Năm tuần trước, lúc 11h sáng, Rafael công bố video chấm dứt sự nghiệp thi đấu quần vợt. Địa điểm cuối cùng được chọn là vòng chung kết Davis Cup 2024 tại Malaga tháng 11.

Tay vợt Rafael Nadal (trái) và người bác kiêm HLV Toni Nadal. Ảnh: Reuters

Tay vợt Rafael Nadal (trái) và người bác kiêm HLV Toni Nadal. Ảnh: Reuters.

Nhiều tháng qua, Rafael đã trì hoãn, dù thằng bé hiểu rằng phải đưa ra quyết định sớm hơn là muộn. Không dễ để Rafael ngừng một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời, và từ bỏ đam mê đem lại cho thằng bé nhiều thành công từ khi còn rất trẻ. Một lý do khác đã khiến cháu tôi phải kéo dài thời gian chia tay.

Rafael đã phải sống chung với cơn đau nhiều năm. Thằng bé đã học cách chế ngự nỗi đau nhiều lần. Không chỉ chiến thắng chấn thương, nó còn trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là lý do khiến Rafael trì hoãn quyết định giải nghệ, từ lần này tới lần khác.

Mọi người đều biết Rafael luôn muốn cố gắng tận lực trong cuộc chiến chống lại chấn thương, giống như cách thằng bé thi đấu đến cùng trên sân. Hai năm qua, nó vẫn tiếp tục, tự cho bản thân cơ hội, vì đức tin hơn là lý trí. Cuối cùng, cháu tôi phải chấp nhận sự thật hiển nhiên là cơ thể của nó không chịu đựng thêm được nữa.

Hôm nay, có thể khẳng định Rafael đã thực hiện được lời hứa với tôi vài năm trước, trong một cuộc trò chuyện ở học viện Rafa Nadal. Một cựu tay vợt nổi tiếng đã thừa nhận với tôi rằng cậu ấy không hài lòng với sự nghiệp của bản thân, vì thiếu tính kiên trì. Vì sợ, tôi kể chuyện đó cho Rafael và thúc giục cháu đừng mắc sai lầm đó, và hãy quyết tâm hơn kỳ vọng. Thằng bé trả lời: “Bác cứ yên tâm. Khi nào dừng bước, cháu sẽ cảm thấy yên tâm vì đã thử mọi cách có thể”.

Vài ngày sau tuyên bố treo vợt của Rafael, tôi được giao nhiệm vụ bất khả thi là bày tỏ cảm xúc của mình trong bài viết này. Tâm trí tôi tràn ngập những hình ảnh, kỷ niệm, khoảnh khắc hoài niệm đã sống và chia sẻ cùng với cháu.

Tôi không thể diễn tả hết thành lời những gì xảy ra với mình kể từ khi cháu bắt đầu chơi quần vợt. Tôi nhớ lại hình ảnh cháu cầm theo cây vợt trong hộp, quanh quẩn ở CLB Manacor và hồi hộp chờ vào sân tập luyện cùng tôi, cho đến cú đánh gần nhất của cháu trong sự nghiệp mà tôi có chút lo lắng vì đôi chân thằng bé không còn thanh thoát và mạnh mẽ như xưa.

Từ những năm tháng xa xôi đến hiện tại, từ những chiến thắng đầu tiên ở các giải thiếu nhi khiến chúng tôi háo hức về tương lai thằng bé, đến những chiến thắng lớn cuối cùng của Rafael tại Melbourne hay Paris, những gì xảy ra giữa hai khoảnh khắc đó là giấc mơ gần như hoàn hảo.

Những năm tháng dữ dội đồng hành cùng Rafael, tôi được trải nghiệm những khoảnh khắc tuyệt vời: trận chung kết Davis Cup đầu tiên tại Seville đầy bất ngờ với tư cách tay vợt đang lên, chức vô địch Roland Garros đầu tiên năm 2005 hoặc trận chung kết Wimbledon 2008 thắng Roger Federer được coi là hay nhất lịch sử.

Tuy nhiên, chẩn đoán một chấn thương bẩm sinh ở bàn chân của Rafael năm 2005 giống như “Thanh gươm của Damocles”, buộc thằng bé phải sống trong đau đớn và nhiều bất trắc. Cơn đau đã song hành với cháu tôi, rèn giũa nó mạnh mẽ hơn, nhưng thi thoảng cũng khiến thằng bé kêu ca và suy sụp. Nhưng với những gì Rafael đã đạt được, chúng tôi không thể phàn nàn nhiều hơn. Mỗi khi thằng bé gian khổ, tôi thường nói: “Rafael này, cuộc sống đã cho bác cháu mình nhiều hơn những gì chúng ta mong đợi, và tốt hơn những gì chúng ta xứng đáng”.

Toni (trái) và Rafael Nadal mừng chức vô địch Roland Garros 2017 tại Pháp. Ảnh: El Pais

Toni (trái) và Rafael Nadal mừng chức vô địch Roland Garros 2017 tại Pháp. Ảnh: El Pais.

Sự nghiệp của Rafael rất thành công, vượt xa mong đợi của tôi, mặc dù tôi luôn tin tưởng tuyệt đối ở thằng bé. Những thành tích đáng đáng kinh ngạc đã giúp cháu được hâm mộ và ủng hộ.

Nhưng điều khiến cháu xứng đáng được tôn trọng và thừa nhận như vậy không phải là số lượng danh hiệu, còn dựa trên các giá trị cá nhân không thay đổi suốt sự nghiệp. Đó là sự chính trực, hành vi mẫu mực trong chiến thắng cũng như thất bại, niềm đam mê từng trận đấu, trách nhiệm đối với quần vợt và những thứ liên quan, chấp nhận nghịch cảnh và sẵn sàng vượt qua khó khăn, hay tôn trọng đối thủ bất chấp trình độ của họ hay việc họ đã tạo ra những thất bại đau đớn nhất sự nghiệp Rafael.

Có ba cấp độ vĩ đại của một VĐV. Có những VĐV nhờ tài năng đặc biệt đã trở thành chuẩn mực trong lĩnh vực của họ. Những người khác đã có gắng nâng cao trình độ và vượt qua cả môn thể thao của họ. Ngoài ra còn một số ít nhờ thái độ và cách làm việc đã vượt qua toàn bộ lĩnh vực thể thao và trở thành chuẩn mực cho xã hội.

Tôi không sợ sai hay lo bị chỉ trích khi nói ra rằng cháu trai tôi thuộc cấp độ cuối cùng, giống như đối thủ vĩ đại cùng thời Roger Federer.

Từ tháng 11/2024, những chiếc cup trong phòng trưng bày của bảo tàng tại học viện Rafa Nadal tại Manacor sẽ dần mất đi vẻ sáng bóng và lộng lẫy. Nhưng tôi tin thằng bé sẽ luôn tận hưởng và trân trọng phần thưởng quý giá nhất của bản thân, đó là tình yêu thương và sự tôn trọng vô bờ bến từ người Tây Ban Nha cũng như trên khắp thế giới.

Tôi chỉ có thể nói lời tạm biệt Rafael bằng sự ngưỡng mộ thường trực cho cháu. Thằng bé đã đánh thức nội tâm của tôi bằng cách nó chiến đấu, gần như một anh hùng, luôn đối mặt với nghịch cảnh và thử thách, hơn nữa là cách cháu đối xử với chiến thắng cũng như thất bại giống nhau.

Trên hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Rafael vì đã cho phép tôi đồng hành cùng cháu trong giai đoạn cuộc đời khiến tôi vô cùng hạnh phúc.

Toni Nadal sinh ngày 21/2/1961, là anh trai của Sebastian Nadal (sinh ngày 3/10/1963 và cũng là bố của Rafael Nadal). Toni đã dạy quần vợt cho Rafael từ khi anh mới bốn tuổi, và tiếp tục làm HLV cho tay vợt này trong 27 năm. Ông Toni hiện huấn luyện Felix Auger-Aliassime, còn Rafael làm việc cùng Carlos Moya. Dù vậy, Toni vẫn đang là Giám đốc học viện quần vợt Rafa Nadal.

Rafael Nadal sinh ngày 3/6/1986, có biệt danh “Vua Đất Nện”, với kỷ lục 14 lần vô địch Pháp Mở rộng, và tổng cộng 22 Grand Slam đơn nam. Anh được xác định có một vấn đề ở xương bàn chân bẩm sinh, đe dọa sự nghiệp khi mới 19 tuổi. Nadal đã hai lần đoạt HC vàng Olympic, 209 tuần đứng ở vị trí số một thế giới.

Xuân Bình (theo El Pais)


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *